"Với Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, doanh nghiệp sẽ không phải đi xin ai"

H
Mimosa
Phản hồi: 2

Mimosa

Thành viên nổi tiếng
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhấn mạnh với định hướng lớn của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 68, lần này phải quyết xóa bỏ triệt để cơ chế xin - cho.

Hào hứng và kỳ vọng, đó có lẽ là những cảm xúc được cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ nhiều nhất kể từ khi Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) cũng chia sẻ cảm giác vui mừng, xúc động khi Nghị quyết 68 ra đời.
1746928037518.png


Cánh cửa mới tạo niềm tin​

"Ngay từ khi nghe tin sẽ có nghị quyết đó, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ đã rất ngóng chờ. Và đến khi nghị quyết chính thức được ban hành, chúng tôi đọc thì thấy tất cả những mong muốn mà mình chờ đợi lâu nay đều được đáp ứng", ông Thân nói và chia sẻ ấn tượng khi nghị quyết không còn chung chung mà rất cụ thể, rất sát thực tế.

Trong đó, nghị quyết đã đề cập nhiều vấn đề thời sự như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thậm chí là những nội dung nhạy cảm như tiền ảo, tiền số; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển trong khuôn khổ pháp luật với tinh thần "Nhà nước không cấm thì doanh nghiệp được làm".

"Nhiều điều chúng ta nói từ lâu nhưng được Bộ Chính trị định hướng rất rõ trong nghị quyết này. Doanh nghiệp rất phấn khởi vì định hướng của Đảng như một cánh cửa mới mở ra, tạo niềm tin cho doanh nghiệp hoạt động", ông Thân nói.

Sau nghị quyết này, Chính phủ và Quốc hội đang làm rất quyết liệt để thể chế hóa những định hướng lớn thành quy định của pháp luật; các địa phương cũng ráo riết làm việc với doanh nghiệp về việc triển khai các dự án đầu tư.

Điểm đột phá đầu tiên của Nghị quyết 68 được ông Thân nhắc đến là việc xóa bỏ những định kiến về kinh tế tư nhân. Lần đầu tiên, Bộ Chính trị xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như miễn thuế, ưu đãi vốn vay, tiếp cận chính sách đất đai...

Đặc biệt, việc doanh nghiệp rất quan tâm là xử lý vi phạm, cũng được coi là đột phá trong nghị quyết lần này của Bộ Chính trị.

Theo đó, Nghị quyết 68 nêu rõ với các vụ việc liên quan đến dân sự, hành chính và kinh tế, sẽ ưu tiên sử dụng các biện pháp xử lý về hành chính, dân sự và kinh tế.

Trong trường hợp quy định của pháp luật có thể hiểu theo hướng xử lý hình sự cũng được, không xử lý hình sự cũng được, thì nghị quyết yêu cầu cương quyết không xử lý hình sự. Còn nếu đến mức phải xử lý hình sự thì vẫn ưu tiên sử dụng các biện pháp kinh tế để khắc phục hậu quả trước và lấy kết quả khắc phục đó làm cơ sở để xem xét, giải quyết các bước tiếp theo.

"Doanh nghiệp rất kỳ vọng vào những định hướng đột phá này, bởi nó sẽ giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý, tạo môi trường kinh doanh an toàn hơn, giúp doanh nghiệp yên tâm hơn", ông Thân nhận định.

Nêu một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là sự tương tác giữa các cơ quan thực thi với doanh nghiệp, ông Thân nhấn mạnh với định hướng mở đường của Bộ Chính trị lần này, phải quyết tâm xóa bỏ triệt để cơ chế xin - cho vẫn đang tồn tại.

Vị đại biểu chia sẻ "nỗi khổ" lâu nay là các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi cứ phải để cửa bộ ngành xếp hàng, xin làm thủ tục, nhưng nay phải theo tư duy cơ quan Nhà nước phục vụ và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, doanh nghiệp không phải xin ai.

Đặc biệt, ông Thân nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng khi đi kèm với Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân còn 3 nghị quyết quan trọng khác của Bộ Chính trị, gồm: Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

"4 nghị quyết quan trọng này được coi như bộ tứ chiến lược để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới", ông Thân nói.

Kỳ vọng hàng triệu hộ kinh doanh có niềm tin lớn lên thành doanh nghiệp​

Một trong những mục tiêu đầy tham vọng đề ra trong Nghị quyết 68 là đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 2 triệu doanh nghiệp và đạt 3 triệu vào năm 2045. Trong khi hiện nay, cả nước có khoảng 960.000 doanh nghiệp và khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể.

"Việc đạt mục tiêu này là rất khó, phụ thuộc rất nhiều vào việc thực thi. Định hướng của Đảng đã rõ, nếu được cụ thể hóa và thực thi hiệu quả, giúp hàng triệu hộ kinh doanh có niềm tin, hào hứng và sẵn sàng lớn lên thành doanh nghiệp, thì tôi tin mục tiêu Bộ Chính trị đặt ra hoàn toàn khả thi", ông Thân nhận định.

Nếu đạt mục tiêu này, ông cho biết sẽ tạo ra thêm hàng triệu việc làm, giúp tăng năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, tăng thu ngân sách và đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nghị quyết 68 cũng nêu mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. "Đây là định hướng rất đúng và trúng. Chúng ta phải có những doanh nghiệp đầu đàn. Nhà nước phải tập trung cho những doanh nghiệp này để họ đủ khả năng hấp thu nguồn vốn, thực thi những dự án lớn của đất nước và có khả năng dẫn dắt", Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa nêu quan điểm.

Khác với tư duy trước đây, lần này, ông Thân cho rằng các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng doanh nghiệp FDI, cần song hành phát triển.

Doanh nghiệp nếu không đổi mới, khả năng đào thải sẽ rất lớn​

Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu (đại biểu hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội) khái quát nhiều thông điệp quan trọng trong Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Trước hết là giảm phiền hà thông qua việc cắt giảm giấy phép kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chuyển cơ bản tư duy xây dựng, thực thi chính sách theo nguyên tắc hậu kiểm, tư duy về tự do kinh doanh.

Thông điệp tiếp theo là tăng sự bảo vệ với kinh tế tư nhân thông qua quy định về quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh; quyền cạnh tranh bình đẳng.

Nghị quyết cũng phân định rõ trách nhiệm hình sự với dân sự, hành chính và kinh tế theo hướng vụ việc mang tính chất kinh tế dân sự thì phải giải quyết bằng dân sự, hành chính, hạn chế rủi ro về thể chế cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp nếu có sai lầm vẫn có cơ hội làm lại.

Đặc biệt, nghị quyết đưa ra chủ trương tách bạch giữa tài sản, quyền nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân, pháp nhân trong xử lý vi phạm. Theo ông Hiếu, điều này rất quan trọng bởi đôi khi vi phạm của một cá nhân không đại diện cho doanh nghiệp, tránh tình trạng xử lý cá nhân làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cùng với những bước thực thi khẩn trương từ phía cơ quan Nhà nước, vị đại biểu cho rằng bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp trong bối cảnh mới.

"Doanh nghiệp cần cởi mở hơn, thay đổi tư duy quản trị để phù hợp với bước chuyển trong tư duy quản lý. Việc này giúp họ có thể cạnh tranh bình đẳng, công bằng. Thể chế cởi mở đồng nghĩa với mức độ cạnh tranh cao hơn, khốc liệt hơn nên doanh nghiệp nếu không chủ động đổi mới sáng tạo, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng mô hình kinh doanh mới... khả năng bị đào thảo lớn hơn rất nhiều", ông Hiếu lưu ý.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng cho rằng cần có cơ chế, chính sách cụ thể để thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tiếp cận và sử dụng các nguồn lực của xã hội một cách thuận lợi, ưu đãi nhất.

Mặc dù kinh tế tư nhân có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, song theo ông Ngân, việc quan trọng là cần hình thành những tập đoàn, doanh nghiệp lớn, đủ mạnh để có tính dẫn dắt, sánh vai với các tập đoàn lớn trên thế giới để cạnh tranh với họ ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

Nguồn; Dân Trí
 
Báo nên đăng toàn bộ nội dung Nghị quyết 68 của bộ chính trị để các tầng lớp nhân dân , trong đó có các doanh nhân nắm bắt . Nhưng phải nhất quán theo nguyên tắc " người dân / dân doanh được làm những việc pháp luật không cấm " . N/Q 68 xác định Doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, là bước tiến mới trong tư duy lãnh đạo kinh tế thị trường . Theo đó Chính phủ đưa ra chính sách ưu tiên, tạo điều kiện cho doanh nhân tự do sáng tạo trong khuôn khổ quy định PL . Đồng thời ngăn chặn và triệt tiêu tình trạng các nhân viên cơ quan công vụ gây khó khăn, phiền nhiễu để vòi vĩnh , tham nhũng . Hy vọng N/Q 68 sẽ mở đường , cởi trói và thúc đẩy cho kinh tế tư nhân/ doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới .
 
Sửa lần cuối:


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top